Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Mùa nắng nóng cần ăn uống như thế nào cho hợp lý ?

Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch
Để có một bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn, các bà mẹ cần chọn mua thực phẩm tươi, sạch bởi mùa nóng thực phẩm rất dễ ôi thiu, biến chất do nhiễm khuẩn và nhiệt độ môi trường cao. Các loại thực phẩm như thịt, tôm, cá… khi mua về nên rửa sạch, đựng từng loại bằng túi ni lông hoặc hộp riêng rồi để vào tủ lạnh, rau quả để vào ngăn mát của tủ lạnh.
Trước khi nấu rau xanh cần rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, ngâm kỹ rồi mới thái nhỏ để không mất nhiều vitamin.
Dinh dưỡng mùa nắng nóng
Ăn nhiều hoa quả cung cấp vitamin cho cơ thể
Chế độ ăn uống
Mùa nóng ra nhiều mồ hôi, mọi người mệt mỏi, chán ăn vì vậy thật là khó cho các bà mẹ phải nghĩ cách nấu món ăn thế nào cho đủ dinh dưỡng, đủ các chất là chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng… Muốn vậy các bà mẹ nên sử dụng nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi các món ăn để trẻ và mọi người trong gia đình ngon miệng, dễ ăn và đủ dinh dưỡng.
Vào thời tiết này, về nguyên tắc các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn đủ chất, nhưng hạn chế chất béo (vì cung cấp nhiều năng lượng không cần thiết và dễ gây béo phì), tăng cường hoa quả và uống nhiều nước.
Trong những ngày nắng nóng, cần ăn đủ các dưỡng chất và cân bằng, bảo đảm tính đa dạng của thực phẩm. Muốn vậy cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhưng để phù hợp với nhu cầu đặc biệt của mùa nắng nóng, cần điều chỉnh các thành phần đó trong khẩu phần hằng ngày như sau:
Glucid: Gạo, bún, bánh đa, bánh mì: Tùy mức vận động tiêu hao năng lượng của cơ thể mà có định lượng ăn thích hợp. Tuy nhiên, mùa hè không cần ăn quá nhiều, trung bình 1 chén cơm/bữa với những người không muốn tăng cân.
Protein: Nhóm thịt, cá, gà, trứng, đậu (cả đậu hạt và đậu quả): Thay đổi trong hai bữa ăn chính. Bạn nhớ rằng chất đạm vẫn rất cần để duy trì cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn và có khả năng miễn dịch tốt.
Đối với người trưởng thành đang muốn giảm hoặc giữ cân thì việc ăn phối hợp các loại protein nghèo (chất lượng thấp) như trong ngũ cốc, các loại rau củ có thể hỗ trợ cho nhau vừa giúp không tăng cân, giúp làm đầy dạ dày không bị cảm giác đói, đồng thời cung cấp nhiều vitamin, vi khoáng. Đây chính là lợi điểm của chế độ ăn đa dạng hóa thực phẩm.
Lipid: Nhu cầu chất béo còn phụ thuộc vào tuổi, tính chất lao động, đặc biệt dân tộc, khí hậu. Người ta thấy nhu cầu lipid có thể tính tương đương với lượng protein ăn vào. Ở người trẻ và trung niên tỷ lệ đó có thể là 1:1 nghĩa là lượng đạm và lipid ngang nhau trong khẩu phần. Ở người đã lớn tuổi tỷ lệ lipid nên giảm bớt và tỷ lệ lipid với protein là 0,7:1, ở người già lượng lipid chỉ nên bằng 1/2 lượng protein.
Dinh dưỡng mùa nắng nóng
Uống đủ nước để tránh mệt mỏi
Vitamin và các chất khoáng, (nhóm rau củ và trái cây): Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, đặc biệt vào mùa hè nhu cầu về rau xanh trong các gia đình lại càng được tăng cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau xanh là nguồn thực phẩm quí giá, ngoài việc cung cấp các chất xơ, vitamin C - B1- B2, bêta caroten (tiền vitamin A), canxi, sắt, axit citric, axit malic, nó còn cung cấp chất pectin – “chất nhờn”. Đây là một loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng phòng, chữa bệnh như: kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong ruột, có tác dụng tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn, giúp giảm cân ở người béo phì vì giảm hấp thu lipid. Đồng thời, làm giảm cholesterol toàn phần trong máu.
Các món rau được ưa chuộng trong mùa hè thường là rau muống luộc, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi nấu canh cua, canh bầu nấu với tôm, cà tím nấu bung… Rau sống, rau tươi cũng là thực đơn được nhiều gia đình lựa chọn. Vì ăn rau sống sẽ tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn và cũng là cách để cơ thể có thể hấp thu được nhiều vitamin trong rau nhất. Tuy nhiên việc ăn rau chưa qua chế biến cũng dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, bởi vậy các gia đình khi mua rau về cần ngâm kỹ trong nước khoảng 30 phút rồi rửa thật sạch trước khi ăn.
Bên cạnh rau xanh thì sử dụng nhiều hoa quả cũng là cách lý tưởng giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết. Trong mùa này, những loại hoa quả nên ăn là các loại hoa quả giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, dưa hấu…. Các loại quả nên hạn chế là một số trái cây có hàm lượng đường cao, có tính nóng, không nên ăn nhiều như mít, xoài, vải, nhãn.
Khi có nhu cầu giải khát, một cốc sinh tố hay nước ép trái cây có nguồn gốc từ rau quả không những sẽ giúp cho cơ thể được giải nhiệt mà còn mang lại giá trị bổ dưỡng cao.
Cần bù đủ lượng nước cho cơ thể
Ngày hè, đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể nhanh bị “bốc hơi” qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước tinh khiết nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ có cảm giác mệt mỏi, choáng, thậm chí bị nhức đầu, khó thở…
Tình trạng cơ thể mất nước ngày nóng nắng là khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và người già. Để chống mất nước cho cơ thể, nhất thiết phải bổ sung thêm nước cho cơ thể. Tuy nhiên, trong ngày hè không phải cứ uống càng nhiều nước là càng tốt. Bởi uống nước quá nhiều sẽ gây quá tải cho thận, kèm theo là các dưỡng chất và các nguyên tố vi lượng cũng theo hệ bài tiết ra ngoài.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhu cầu về nước trong những ngày hè nóng bức rất lớn, vì vậy cần phải bổ sung nước kịp thời để bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi căng thẳng không đáng có. Mỗi ngày nhu cầu nước cho mỗi người khoảng 8-10 ly nước (bao gồm cả các loại nước khác). Bình thường nhu cầu nước khoảng 1,0 lít/ngày thì ngày hè nhu cầu nước có thể tăng thêm, khoảng 1,5 đến gần 2,0 lít/ngày.
Lưu ý khi uống nước cần uống chậm rãi, từ từ từng ngụm một. Uống chậm có tác dụng “đánh thức” bộ máy tiêu hoá chuẩn bị làm việc và tránh khả năng bị chướng bụng, đầy hơi. Đồng thời khi uống nước cũng cần hạn chế sử dụng nhiều đá hoặc nước uống quá lạnh. Vì nước quá lạnh hay nước đá sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất, mặt khác dễ gây viêm họng, tạo cảm giác giải khát “giả”.
Theo Nguyễn Thị Hạnh ( Báo Sức Khỏe và Đời sống )


Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

5 loại thực phẩm đến từ Trung Quốc nên cẩn thận khi sử dụng

Dưới đây là top 5 loại thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc mà tờ Epoch Times khuyến nghị nên cẩn thận: 
1. Cá rô phi 
Theo thông tin đăng tải trên một tờ báo của Pháp, nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm đông lạnh từ Trung Quốc (TQ), đặc biệt là cá rô phi để làm phi lê đông lạnh ẩn chứa nhiều loại chất cấm độc hại, các loại kháng sinh… do người nuôi đưa vào thức ăn hay môi trường sống để kích thích cá sinh trưởng, phát triển khiến các cơ quan nhập khẩu dù có thiết bị giám sát cũng khó phát hiện ra. Nguồn cá này thực tế các hộ nhỏ lẻ nuôi, sau đó các công ty thu mua chế biến, nhưng dưới hình thức là công ty tự nuôi theo quy trình an toàn. Nhiều nước châu Âu thường xuyên đưa ra những danh mục cấm các loại hóa chất độc hại. Tuy nhiên, cấm chất này, người nuôi lại tìm cách đưa chất khác vào.
Nhiều người biết rằng người nuôi cá ở Trung Quốc không cho con cái họ ăn cá mà họ nuôi. Có một báo cáo một số năm trước ở Trung Quốc về trường hợp một bé gái sống ở một làng cá bắt đầu có kinh nguyệt khi mới lên 7 do hàm lượng hormone dùng trong việc nuôi cá quá cao.Người nuôi cá sử dụng những loại hormone tăng trưởng và kháng sinh mạnh để cá có thể sống được trong môi trường đông nghịt bẩn thỉu. 
Có nhiều lời thắc mắc về việc cá rô phi Trung Quốc đã bán ở Việt Nam chưa? Theo nhà quản lý thị trường, hiện nay, sản phẩm cá rô phi bán ngoài chợ hầu hết được cung cấp từ các hộ nuôi trồng của Việt Nam. Nhưng trong tình hình hàng Trung Quốc có thể tràn sang Việt Nam thượng vàng hạ cám thì người tiêu dùng cũng nên thận trọng. 
5 thực phẩm từ Trung Quốc phải tránh xa - Ảnh 1
2. Cá tuyết 
Khoảng 51% số lượng cá tuyết trong các chợ ở Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc, tương đương 70,7 triệu pound (khoảng 32 nghìn tấn) mỗi năm. Những điều nói về cá rô phi cũng tương tự đối với người nuôi cá tuyết.
Cá tuyết ở Việt Nam được liệt vào hàng đặc sản, hầu hết bán trong những nhà hàng nhưng nguồn gốc từ loại cá này từ đâu thì không ai kiểm chứng được.
3. Nước ép táo 
Nếu bạn mua một hộp nước ép táo giá rẻ có mùi vị không ngon lắm, nó có thể đã trải qua một chặng đường vận chuyển dài - tất cả đều từ Trung Quốc. Khoảng 50% số lượng nước ép táo được bán ở Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc - khoảng 367 triệu gallon (khoảng 1.4 triệu mét khối) hằng năm. 
5 thực phẩm từ Trung Quốc phải tránh xa - Ảnh 2
Hộp nước ép ngon và đẹp mắt bạn đặt vào bữa trưa của con bạn. Thay vì đưa một lon nước có gas, bạn đã cho con uống thứ nước có vẻ "tốt cho sức khỏe" nhưng chứa đầy thạch tín, một thứ kim loại nặng có thể gây ung thư. 
Điều chắc chắn là, giá của sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn giá sản phẩm của các nhà nông Mỹ. Nhưng có một lý do làm cho nó rẻ là vì các vườn cây Trung quốc dùng rất nhiều các loại thuốc trừ sâu bất hợp pháp có chứa thạch tín để rồi thấm vào cây và đọng vào trong quả. 
Bã thuốc trừ sâu vẫn còn trong trái cây, rau, và thực phẩm chế biến khi đưa đến nhà cung cấp thực phẩm đã từ lâu là một vấn nạn. Trung Quốc là nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới và thất bại trên diện rộng trong việc xác định những bã hoá chất trái phép hoặc nguy hiểm có trong thực phẩm. Bằng chứng là nước này có những mức giới hạn bã hoá chất rất hào phóng.

Ở Việt Nam, mặc dù người tiêu dùng đã rất cẩn trọng với hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng nguồn gốc các loại nước ép trái cây thì được ít người quan tâm. 
4. Nấm tươi 
Các cơ quan chức năng của tỉnh Phúc Kiến, miền đông nam Trung Quốc đã thu giữ 35 tấn nấm đang được xử lý bằng các chất công nghiệp có thể gây ung thư. Cụ thể, chúng được ngâm trong hóa chất axit citric công nghiệp. 
Các chuyên gia cho biết việc cho axit citric vào nấm giúp bảo quản nấm tươi ngon tới 1 năm. Một số người sản xuất đã sử dụng loại hóa chất này để thay cho chất bảo quản không độc hại khác nhằm làm giảm giá thành sản phẩm.
5 thực phẩm từ Trung Quốc phải tránh xa - Ảnh 3
Các chuyên gia y tế cho biết axit citric công nghiệp này có hại cho hệ thần kinh của con người vì nó có thể gây dị ứng và gây ung thư.
Ở Việt Nam, hầu hết nấm tươi bán ngoài chợ đều không có nguồn gốc rõ ràng và phần nhiều trong chúng được nhập về từ Trung Quốc.
Ngoài ra, bạn cũng cần cố gắng tránh xa những loại nấm đóng hộp; 34% lượng nấm chế biến sẵn là từ Trung Quốc, tức là 62,9 triệu pound (khoảng 28,5 nghìn tấn) mỗi năm.
5. Tỏi
Có rất nhiều cách mà tỏi có thể được cho vào trong thức ăn chế biến sẵn. Khoảng 31% số tỏi, tức là 217,5 triệu pound (khoảng 98,6 nghìn tấn), là từ Trung Quốc. Bạn có thể thấy chúng được dán nhãn “sản phẩm hữu cơ” nhưng thực chất không có bên thứ ba nào kiểm tra và chứng nhận những sản phẩm “hữu cơ” ở Trung Quốc. Để kiếm lời, ai cũng có thể dán nhãn “hữu cơ”.
Ở Việt Nam, những loại gia vị như hành, tỏi, gừng có nguồn gốc Trung Quốc được bán tràn lan ngoài chợ và được rất nhiều người lựa chọn vì giá rẻ.
                                                                                                      Theo Tri Thức Trẻ
Note: Chúng ta nên hạn chế và không nên dùng các loại thực phẩm có nguồn gốc đến từ Trung Quốc. 
Khi Trung Quốc đẩy giàn khoan vào Việt Nam, thì đó là điều may mắn cho Việt Nam. Bởi vì, nhờ có nó mà chúng ta phải cẩn thận hơn với người láng giềng giàu có này, 
Trung Quốc không cần giết chúng ta bằng súng ống và đạn dược, mà chỉ cần giết chúng  ta bằng thực phẩm. 
Mọi người Việt Nam có lòng yêu nước thì hiện tại không nên bán các loại thực phẩm từ Trung Quốc không có kiểm định chất lượng rõ ràng, và nên hạn chế và không nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.